Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn, ông nổi tiếng với những bài thơ mang màu sắc làng quê, xóm làng Việt Nam từ những năm 1930. Người ta nói đọc thơ của Nguyễn Bính có chút gì đó vô cùng êm ả, dễ chịu và gợi nhớ biết bao kí ức về tuổi thơ ở quê nhà. Những vần thơ ấy đã được đưa vào sách giáo khoa, được truyền tai nhau qua bao bản nhạc cho những thế hệ ngày hôm nay.
Một trong những bài thơ làm chúng ta gợi nhớ về kí ức nhiều nhất đó là “Chân quê”. Có ai còn nhớ những giai điệu quen thuộc đã vang lên qua dòng chữ này?
“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”
Từ cánh hoa chanh, từ hình ảnh thầy, u, hương đồng, gió nội, Nguyễn Bính thể hiện bằng chính vần thơ của mình lòng yêu quê hương đất nước, yêu những điều đơn sơ mà ông không muốn thay đổi. Trong vần thơ ấy, ông thể hiện sự tiếc nuối của mình khi cô gái đi tỉnh về, mất đi một chút “quê mùa” vốn có mà mình từng thầm thương. Mấy ai nghe qua mà không hình dung ra miền quê yên ả của Bắc Bộ xưa, khi ấy chúng ta vẫn còn là những đứa trẻ thơ vụt chạy trên đồng, cảnh tượng ấy đáng nhớ làm sao!
Nguyễn Bính còn có một bài thơ rất nổi tiếng đó là “Tương tư”. Bài thơ là khúc hát trong lòng chàng thi sĩ trẻ đang yêu thầm một cô gái thôn bên. Từng vần thơ tuyệt đẹp kia thể hiện một tình yêu vô cùng mộc mạc mà tác giả đã dành cho người ông yêu.
“Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.”
Hai câu thơ được trích từ “Tương tư” trên là hai câu mà nhân vật chính trong tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết ra và chiêm nghiệm khi đang tương tư cô gái nhỏ cùng xóm. Những âm hưởng dịu dàng này đã khiến người ta yêu thương, nâng niu vần thơ Nguyễn Bính bởi ông có sự đồng cảm tuyệt vời với những ai đang yêu, đang nhớ, đang khát khao thứ tình cảm dung dị, chân quê.