Gửi họa sĩ Nguyễn Đại Giang
Qua tấm hình cũ chàng thấy cái
sống không sống cái chết không chết
con người lơ lửng trong trạng thái
vô tâm trí những cánh chim lũ
lượt tìm về nơi trú ẩn bầu
trời không nắng không gió không bão
tố không tai ương và chàng cứng
đơ trong thế bất động chừng như
con người chạy trốn con người sự
vật chạy trốn sự vật và tiếng
nói chỉ là mớ âm câm đất
với trời xưa với nay chàng là
kẻ khác và kẻ khác là kẻ
khác nữa chàng là đám đông và
đám đông là chàng lái xe trong
thành phố và người tài xế không
phải chàng đánh nhau với tên du
đảng và chàng là tên du đảng
vân vân và vân vân chàng ở
vào muôn vàn hòan cảnh và tình
huống cứ như thế chàng thấp thóang
ai đó và ai đó thấp thóang
chàng bất chợt cảm thấy tê tái
và nhận ra kẻ chiếm đọat bên
trong đẩy chàng ra ngòai chàng song
song đối mặt với chàng như chàng
đối mặt với dãy phố như dãy
phố đối mặt với con đường đầy
ổ gà và chàng ngồi bên vỉa
hè một người vô gia cư tiều
tụy và u ám và chàng là
người vô gia cư tiều tụy và
u ám nói cho cùng những mảnh
đời ngang trái ôi số phần oan
trái ơi sao cứ nấn ná ở
nơi này và nơi này là nơi
nào mà chàng cứ ngồi đấy ngày
qua ngày nhảm nhí và già cỗi
cứng đơ trong khung hình chụp vô
tâm trí không nhận biết và hồi
tưởng không ngày dài và đêm sâu
thời gian … tách đôi … chấm dứt câu
chuyện nhập nhằng bầu trời cũ thế
giới cũ con người cũ khổ đau
vẫn khổ đau thiên tai nghèo đói
chiến tranh sống chết vẫn cứ nguyên
như cũ chỉ có chàng dần xa
dần xa … Ôi chàng.
________________
Ghi chú
Bài thơ dùng túc từ của câu hay mệnh đề (chàng) trước làm chủ từ của câu hay mệnh đề sau, mục đích là làm mất đi dấu vết của văn xuôi để thành thơ và kiềm chế tốc độ đọc.
Trong chiều hướng tới, khi đưa cốt truyện vào thơ tân hình thức, chúng ta cố đọng tình tiết (tương đương với cô đọng chữ trong thơ vần điệu và tự do) và chuyên chở bằng nhịp điệu thơ. Như vậy cũng rất đúng với thuật ngữ ‘tính truyện’ mà chúng ta thường dùng trước kia. Tình tiết câu chuyện trong thơ sẽ không chi li và rườm rà như trong văn xuôi, và đó là sự khác biệt giữa cách kể trong thơ và văn xuôi..
Last modified on 02/04/2012 - 8:30 AM © 2004 -2012 www.thotanhinhthuc.org.
HOME